Trong buổi tọa đàm “Du lịch cộng đồng nông nghiệp” diễn ra ngày 29-12-2023 tại trụ sở UBND xã Đa Mi, chính quyền tỉnh Bình Thuận và nhiều chuyên gia tư vấn du lịch, doanh nghiệp du lịch đều đồng thuận về việc đẩy mạnh du lịch cộng đồng nông nghiệp ở huyện Hàm Thuận Bắc với dự án du lịch sinh thái hồ thủy điện Hàm Thuận và khí hậu ôn hòa, cảnh quan rừng, thác, suối, hồ tươi đẹp.

    Đoàn khảo sát hơn 100 doanh nghiệp và chuyên gia du lịch, đơn vị du lịch cộng đồng đến từ các tỉnh thành Hòa Bình, Lai Châu, Thái Nguyên, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cà Mau, TP.HCM trong 3 ngày (từ 27 đến 29-12) đã khảo sát thác Bà, thác Sương Mù, thác Chín Tầng, hồ Hàm Thuận, điểm homestay nhà đất sét UFO Đa Mi, chùa Thiên Mai, giáo xứ La Dày, vườn cà phê, vườn mắc ca…

    Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, Bình Thuận xưa nay vốn nổi tiếng các tour du lịch biển song không nhiều người biết cách thành phố Phan Thiết hơn 70km là xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc với cảnh rừng xanh, đồi núi, suối, thác và hồ thủy điện Hàm Thuận rộng 2.500 ha. Hồ Hàm Thuận nằm bên quốc lộ 55 trên tuyến đường từ Phan Thiết lên cao nguyên Di Linh. Đa Mi có khí hậu mát mẻ do tiếp giáp với vùng cao nguyên, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho người yêu thích du lịch mạo hiểm khám phá thác ghềnh hay du lịch nghỉ dưỡng nơi các đảo xanh mát không khí trong lành trên hồ Hàm Thuận.

    Bình Thuận đã đưa vào khai thác các tour “lên rừng xuống biển” như khám phá thác 9 tầng kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc; tour khám phá lòng hồ Đa Mi và trải nghiệm vườn cây ở các đảo trên mặt hồ; các điểm tham quan thác Bà, Tánh Linh…

    Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: “Bình Thuận có 60% diện tích là rừng; năm 2023 đã đón 8,5 triệu khách du lịch, trong đó du lịch biển chỉ chiếm 18,2%, như vậy vẫn còn dư địa cho du lịch nông nghiệp. Tỉnh Bình Thuận hiện đang thử nghiệm tour lên rừng xuống biển ở Tánh Linh, Đa Mi, khai thác tiềm năng hồ, biển, rừng; kết nối với những điểm đến quanh tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc về làm du lịch rừng, du lịch nông thôn. Hiện Bình Thuận đã quy hoạch 168 ha vùng hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận để làm du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái ở Bình Thuận vẫn còn tự phát, cần kết nối hỗ trợ mở rộng hơn trong những năm tới”.

    Khánh Nguyễn

    Ảnh: Nguyễn Trang KIm Cương