Là lạ, bất ngờ và rất hấp dẫn khi các chàng trai cô gái của nhạc rap xuất hiện rất đáng yêu và ấn tượng vào màn hai của vở tuồng Xuân về trên đất Thăng Long do Bạch Long đạo diễn và dàn dựng trên sân khấu Nhà văn hoá lao động.

    Các bạn trẻ xuất hiện rất tự tin, đưa những lời nhạc rất dễ gần, quen tai và các vũ đạo cũng rất sinh động khiến khán giả ngạc nhiên và nhiều thích thú. Cuối tuần mà đi xem cải lương sẽ có nhiều người cho tôi là người... không bình thường. Nhưng sẽ có rất nhiều điều "bất thường" khi chứng kiến hơn 2 tiếng đồng hồ để xem một vở cải lương tuồng cổ có đầy đủ âm thanh, ánh sáng, dàn dựng cảnh trí và riêng về các câu vọng cổ cất lên lảnh lót và cách xuống xề điêu luyện của dàn diễn viên trẻ là tôi thấy đủ tiền vé, máu trong người cứ lâng lâng không phải vì nó đã mà nó còn dấy lên một niềm tự hào về những người nghệ sĩ đang miệt mài cố gắng ngày đêm gìn giữ và phát huy bộ môn cải lương tuồng cổ độc đáo như thế này.

    Khen nghệ sĩ Bạch Long trong vai trò đạo diễn cho một vở tuồng, hay khen anh trong vai trò "người đưa đò" khi anh mài dũa và dìu dắt từng em học trò để được bước ra sân khấu trình diễn... hình như có một chút gì đó dư thừa, bởi tài năng và đạo đức làm nghề của anh đã được minh chứng hơn 50 năm trên sân khấu đã khẳng định những điều này. Chỉ còn chút "ngại ngùng" khi nhắc đến anh một nghệ sĩ tâm huyết với nghề như anh mà mãi đến nay anh vẫn chưa... giàu có thì đó là một nỗi lòng đau đáu của những khán giả từng yêu mến anh từ cái thuở nhỏ mà khi nghe đến các vở tuồng là khán giả đã la lên: Cậu bé ngoan đồng, Trần Quốc Toàn ra quân, Bão táp nguyên phong, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Hầu nhi cứu chủ", "Tiểu anh hùng Nam Quốc"...

    Nếu đầu giờ diễn tôi có hơi lo vì sân khấu vắng quá (lúc này mới 19 giờ vì tôi đi sớm) nhưng chỉ 30 phút sau, khán giả ở đâu từ từ kéo đến cũng đầy cả rạp. Vẫn là hình ảnh những cụ bà, những chị nội trợ nhưng có thêm rất nhiều các em gái nhỏ như báo hiệu giới trẻ bây giờ cũng rất khoái cải lương chứ  phải "không thèm cải lương" như nhiều người đồn.

    Sân khấu sáng đèn, tiếng trống, tiếng kèn, đờn, sáo... nổi lên như báo hiệu võ tuồng đã bắt đầu. Cách giới thiệu từng nhân vật của đạo diễn Bạch Long đã cho đổi mới khá ấn tượng, mỗi nhân vật xuất hiện với một tuyệt chiêu vũ đạo độc đáo, cách này đã lấy nhiều tràng vỗ tay của khán giả làm không khí khán phòng càng lúc càng nóng lên như sắp được đi đánh trận.

    Các chiêu tróc mã, đi đầu gối, múa cờ, vừa hát vừa đánh võ, đăc biệt các mãng miếng hài duyên dáng được nghệ sĩ Bạch Long quăng miếng liên tục trong các tình huống anh xuất hiện đã khiến khán giả cười quên thôi, đây có lẻ là điều chỉ có ở sân khấu đồng ấu Bạch Long mới có được.  

    Xem trọn vở tuồng, khán giả dễ dàng bắt gặp một Bùi Thị Xuân (Tú Sương) với nét diễn luôn ở trạng thái xuất thần. Nghe Tú Sương hát diễn, vũ đạo rồi phần múa song kiếm của một nữ tướng có lẻ khán giả không đòi hỏi gì hơn vì quá tuyệt. Riêng phần âm thanh trục trặc làm cái micro tắt tiếng, nếu ở người thường có lẻ sẽ ngừng diễn, nhưng cô đào này xử lý rất nhẹ nhàng, và nhiều tràng vỗ tay đã vang lên như sự ủng hộ cho bản lỉnh xử lý của một NSUT như Tú Sương.

    Trinh Trinh sáng rực trong vai Ngọc Hân công chúa, phối hợp cùng Quang Trung ( Kim NHuận Phát) trong các lớp diễn làm người xem mãn nhãn. và vai diễn phản diện của Hoàng Hải (vai sư huynh của Bùi Thị Xuân) đã thật sự chinh phục người xem bởi anh có quá nhiều đất diễn để anh trổ tài cùng Tú Sương từ chất giọng cho đến vũ đạo và nhất là nét diễn xuất thần của một kẻ ngu trung lầm đường lạc lối đầy khí phách.

    Bên cạnh sự toả sáng của các nghệ sĩ trẻ còn có sự góp mặt của kép độc Chí Bảo, xem anh diễn cứ nhớ lại thời vàng son của đoàn Minh Tơ khi anh cùng với cố NSND Thanh Tòng, Công Minh, Thanh Sơn, Hữu Cảnh... đã làm nên những tuồng cổ đi vào lòng người.

    Điều đáng vui là các bạn trẻ như Kim Nhuận Phát, Bạch Luân, Bạch Tú My, Ái Loan, Thanh Dư, Thúy My… dường như họ luôn cháy hết mình với vai diễn, tạo niềm hy vọng cho sân khấu tuồng cổ sẽ có được một lớp kế thừa xứng đáng với những gì mà bộ môn tuồng cổ đã từng được nhiều khán giả yêu quý.

    Sau xuất diễn, gặp nghệ sĩ Bạch Long với nụ cười tươi rói, anh bảo: "Xem được không hiền đệ, anh vừa diễn mà cũng vừa lo, vì thật ra khán giả cải lương của mình không nhiều lắm đâu, nó như miếng bánh nhỏ mà phải chia ra nhiều phần, cứ mỗi lần công diễn một vỡ mới là anh cũng gần như bạc đầu, phải luôn tiếp cận cái mới để khán giả nhất là lớp trẻ chịu đến với cải lương của mình. Từ sân khấu nhìn xuống hàng ghế, thấy khán giả đầy rạp là tự dưng anh muốn cháy hết mình".

    Vâng, vở diễn kết thúc, khán giả chưa chịu về, cứ như luyến tiếc những phút giây hào hùng từ vở tuồng đem đến. Nhiều khán giả trong đó có nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn lên sân khấu tặng hoa, xin chụp hình lưu niệm cùng nghệ sĩ, tự dưng trong tôi như tự hào về cải lương, một bộ môn nghệ thuật chỉ có ở Việt Nam, rất đáng trân trọng cần gìn giữ và phát huy.

    Phạm Lữ  

    Ảnh: Thiện Lê