Tối 22-11, tại TP.HCM, ban tổ chức đêm nhạc thiện nguyện gây quỹ Tìm nhau trao yêu thương tổ chức họp báo công bố đêm nhạc. Tham dự buổi công bố có 5 nhạc sĩ gạo cội của làng nhạc Việt như: Giao Tiên, Đài Phương Trang, Nguyễn Vũ, Bảo Thu, Mạnh Quỳnh. Cùng đó là nhạc sĩ Tô Hiếu - đạo diễn, nhà sản xuất chương trình nghệ thuật; nhạc sĩ Nguyễn Phước Hòa - biên tập chương trình…

    Nói về lý do tổ chức đêm nhạc, nhạc sĩ Tô Hiếu cho biết: “Xuất phát từ câu chuyện nhiều nghệ sĩ lớn tuổi lần lượt ra đi trong niềm tiếc thương của khán giả, mất mát cho nền nghệ thuật nước nhà, gần đây nhất là sự ra đi của nhạc sĩ Quốc Dũng, Y Vũ, tôi muốn tổ chức các đêm nhạc tri ân, đồng thời lưu giữ lại những hình ảnh đẹp của các nhạc sĩ đóng góp cho nghệ thuật nước nhà". Trước đó, dịp lễ 30-4, nhạc sĩ Tô Hiếu tổ chức đêm nhạc gây quỹ từ thiện Tình nghệ sĩ giúp đỡ các nghệ sĩ lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn gồm nghệ sĩ Mạc Can, Hồng Sáp và Vũ Quang.

    Chia sẻ về lý do đồng ý tham gia đêm nhạc, nhạc sĩ Bảo Thu nói: “Chương trình nhằm gây quỹ hỗ trợ các nhạc sĩ đang gặp khó khăn nên chúng tôi sẵn sàng ủng hộ. Tôi cũng kêu gọi một số mạnh thường quân ủng hộ. Họ hứa đến xem, ủng hộ tài chính để giúp đỡ các nhạc sĩ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Tô Hiếu để làm việc này”.

    Còn nhạc sĩ Đài Phương Trang chia sẻ: “Đây là dịp các nhạc sĩ xưa có thể hội tụ trong một chương trình. Chúng tôi từng tham gia các gameshow, làm giám khảo các chương trình nhưng thường riêng lẻ, chưa bao giờ xuất hiện chung. Công chúng thích nhạc xưa cũng chưa có dịp giao lưu để biết về các ca khúc xưa”. 

    “Chúng tôi mong qua chương trình khán giả hiểu thêm những góc khuất, những câu chuyện đằng sau những tác phẩm của chúng tôi qua mấy chục năm vẫn được khán giả yêu thích” - ông nói thêm.

    Cũng tại buổi công bố, năm nhạc sĩ gạo cội đã có những tâm tình về cách chuyển tải tình cảm vào ca khúc.

    Nhạc sĩ Giao Tiên nói: "Chúng tôi viết những ca khúc đó khi còn trẻ. Tuổi trẻ thì hăng hái nên có bao nhiêu cảm xúc bung hết ra. Thời đó, chúng tôi còn rất trẻ làm sao có kinh nghiệm được. Bây giờ, khi lớn tuổi, chúng tôi mới có kinh nghiệm, biết cần thêm cái gì, chỉnh sửa cái nào cho phù hợp hơn. Theo tôi cảm xúc dồi dào thì ca khúc hay".

    - Nhạc sĩ Đài Phương Trang: Thời trẻ, khi có cảm xúc, chúng tôi viết ngay. Sau này, chúng tôi có kinh nghiệm viết chỉn chu, cấu trúc chặt chẽ hơn. Nhưng viết chỉn chu, sửa đi sửa lại nhiều lần chưa chắc đã hay. Có nhiều ca khúc chúng tôi viết rất nhanh, lại đi vào lòng người rất dễ. Khi sáng tác, bất kỳ chủ đề nào đều viết, chứ không phải đề tài nào có người viết rồi mình sẽ không viết. Chẳng hạn, trong một dịp Noel anh Nguyễn Vũ viết Bài thánh ca buồn, còn tôi viết Hai mùa Noel, còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết Hai mùa sao sáng… Đề tài về tình yêu, sự kiện trong quần chúng là muôn thuở. Những điều không trọn vẹn trong tình yêu đọng lại trong người nghe rất nhiều. Nhưng mình phải viết làm sao bi để không bi luỵ, phải có niềm tin. Niềm tin đó thường ở những câu cuối cùng, mở ra một điều gì đó mới.

    Anh em chúng tôi phải văn ôn võ luyện, cộng với niềm đam mê ngày càng chắc tay hơn.

    - Nhạc sĩ Bảo Thu: Chẳng hạn như bài Nếu xuân này không có anh, tôi viết chỉ trong 1 tiếng. Tôi nghĩ bài này không thành công nên không dám đưa ca sĩ nổi tiếng, mà đưa cho ca sĩ mới. Nếu lỡ ca khúc dở, không được khán giả đón nhận thì bản thân cũng đỡ xấu hổ. Nhưng không ngờ ca khúc này lại thành công. 

    - Nhạc sĩ Giao Tiên: Khi tôi viết Nhớ người yêu, cũng là tự phát. Tôi nhớ người yêu sao thì viết vậy. Tôi là gốc nông dân nên viết mộc mạc, bình dị, nhưng vẫn có tính lãng mạn. Khi viết xong, tôi nhờ nhạc sĩ Hàn Châu hát. Tôi đàn, thu âm vào băng cassette, sau đó mang cho nhiều anh em nghe. Họ chê rất nhiều, đến mức tôi xấu hổ. Sau đó, tôi đưa bài hát này cho một nhà sản xuất tay ngang sản xuất. Ca khúc này sau đó in bản nào bán hết bản đó. Anh ấy mua nhà, sắm xe hơi… từ bài hát này, còn tôi không có gì cả (cười). Tôi viết nhạc rất nhanh, nên viết nhiều. Có năm tôi viết vài trăm ca khúc.

    Dự kiến đêm nhạc có 20 ca khúc được biểu diễn như: Bài thánh ca buồn, Bài cuối cho người tình (Nguyễn Vũ); Đưa em vào địa đàng, Sầu viễn phương (Mạnh Quỳnh); Căn nhà dĩ vãng, Hai mùa Noel, Chiều bên đồi sim, Hoa mười giờ, Người yêu cô đơn, Tình nghèo có nhau, Chuyện tình mùa Noel (Đài Phương Trang); Cho tôi được một lần, Giọng ca dĩ vãng (Bảo Thu); Nhớ người yêu, Đính ước, Lại nhớ người yêu, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Hỏi vợ ngoại thành, Hoàng tử trong mơ (Giao Tiên).

    Đặc biệt nhạc sĩ Đài Phương Trang sẽ hát Chuyện tình mùa Noel do anh sáng tác. Nhạc sĩ Mạnh Quỳnh cũng hát ca khúc Sầu viễn phương của mình.

    Các văn nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong đêm nhạc Tìm nhau trao yêu thương có: Chế Thanh, Phương Anh, Lưu Chí Vỹ, Kim Thoa, Lệ Hồng, Đức Xuân, Duy Phương, Thủy Tiên. Dẫn chương trình: Hoài Duy - Ngọc Hoa.

    Nhạc sĩ Nguyễn Phước Hòa -  nhạc sĩ hoà âm và biên tập chương trình - đã yêu cầu các nhạc sĩ gửi bản ký âm gốc, để hướng dẫn ca sĩ tham gia chương trình hát đúng lời tác giả viết, vì hiện nay nhiều ca khúc của các nhạc sĩ bị sửa lời rất nhiều làm thay đổi kết cấu tác phẩm.

    Đêm nhạc Tìm nhau trao yêu thương sẽ diễn ra tối 2-12 tại sân khấu Trống Đồng (TP.HCM). Sân khấu hiện có hơn 1.000 ghế ngồi. Giá vé có hai hạng mức gồm 200.000 đồng và 400.000 đồng.  

    Nhạc sĩ Tô Hiếu bật mí vào đầu năm 2024 anh tiếp tục tổ chức đêm nhạc gây quỹ, với sự góp mặt của các nhạc sĩ Hà Phương, Thái Ngọc Sơn, Trương Hoàng Xuân, Hoàng Nhạc Đô và Mặc Thế Nhân. 

    G.T